HỎI:
Tôi đang đứng tên một công ty TNHH có trụ sở tại quận Bình Tân TP HCM nhưng do thời gian gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, nay muốn tạm ngừng hoạt động trong một thời gian thì phải làm những thủ tục gì? Khi muốn tiếp tục hoạt động trở lại thì phải làm thế nào? Rất mong được Luật sư giải đáp!
TRẢ LỜI:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Oceanlaw. Về câu hỏi của bạn Oceanlaw xin trả lời như sau:
Theo Khoản 1 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2005 và hướng dẫn cụ thể tại Điều 43 của Nghị định 88/2006/NĐ-CP thì:
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế ít nhất 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Nội dung thông báo gồm:
- 1. Tên, địa chỉ trụ sở chính, số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
- 2. Ngành, nghề kinh doanh.
- 3. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá 1 (một) năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 2 (hai) năm.
- 4. Lý do tạm ngừng kinh doanh.
- 5. Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo phải có quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
Thủ tục tạm ngưng hoạt động công ty TNHH
Trình tự thực hiện thủ tục tạm ngưng hoạt động kinh doanh
* Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.
* Bước 2: Doanh nghiệp đến nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh
- + Thời gian: từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút (các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần).
- + Nộp hồ sơ tại quầy số 2, đóng lệ phí, lấy số thứ tự và chờ gọi theo số thứ tự.
- + Chuyên viên kiểm tra hồ sơ đủ giấy tờ theo quy định, tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy biên nhận cho doanh nghiệp.
* Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.
* Bước 4: Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ (từ 13giờ đến 17giờ các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Xem mẫu thông báo tạm ngừng kinh doanh tại đây
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 cũng như nghị định 43/2010/NĐ-CP có quy định cụ thể về điều kiện và thủ tục tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, pháp luật doanh nghiệp hiện nay chưa quy định về thủ tục phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp sau khi tạm ngừng. Tuy nhiên, khi đăng ký tạm ngừng kinh doanh , doanh nghiệp đã phải dự liệu rõ ràng và cụ thể về thời gian tạm ngừng kinh doanh và các thông tin cần thiết khác để cơ quan có thẩm quyền theo dõi hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể theo quy định của Nghị định 43/2010/NĐ-CP:
"Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm."
Do đó, khi hết thời gian mà doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp không tiếp tục gia hạn tạm ngừng kinh doanh thì sẽ được mặc nhiên coi là doanh nghiệp quay lại hoạt động bình thường, cơ quan thuế cũng sẽ tiến hành tính thuế với các hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, sau khi phục hồi sau khi tạm ngừng kinh doanh theo thời hạn đã đăng ký với cơ quan đăng kí kinh doanh , doanh nghiệp của bạn có thể quay trở lại hoạt động bình thường mà không yêu cầu phải thực hiện thêm các thủ tục khác.